Bia Khiêm Cung Ký là tấm bia khắc bài văn bia do chính hoàng đế Tự Đức (1848-1883) soạn thảo năm 1871.
Bia hình chữ nhật. Hai mặt bia trang trí giống nhau nhưng bản khắc văn tự khác nhau. Trán bia hình khánh, chạm nổi đồ án “long vân” với hình mặt rồng chính diện ở phía trên và chòm đuôi xoắn ở phía dưới, xung quanh là hình mây và các đao lửa. Bốn tai bia chạm bốn hình rồng, trong đó hai tai bia phía trên chạm nổi đồ án “long thăng”; bốn tai bia phía dưới chạm nổi đồ án “hồi long”. Đường viền bia chạm nổi các đồ án “lưỡng long triều nhật”, “long thăng”, “long giáng”. Bệ bia tạo dáng chân quỳ, chạm trổ công phu: mặt ngoài chạm nổi và chạm lộng các đồ án rồng, mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ S gấp khúc. Toàn bộ bia và bệ bia được đặt trên một nền đá thanh hai tầng, bốn phía có hệ thống bậc cấp.
Tất cả bia tại các lăng hoàng đế thời Nguyễn đều do vị hoàng đế kế nghiệp sáng tác với nội dung đề cao công lao, đức hạnh của vị hoàng đế đã mất, thường gọi là Thánh đức thần công bi ký. Riêng bia Khiêm Cung Ký do hoàng đế Tự Đức soạn thảo và nội dung bia ghi lại quá trình xây dựng lăng, mô tả cảnh quan lăng, đồng thời bày tỏ nỗi lòng của ông đối với đất nước cùng những việc riêng tư. Chính vì vậy, bia Khiêm Cung Ký là tấm bia độc bản, không trùng với bất cứ nội dung bia nào khác.
Đây là tấm bia có số lượng văn tự nhiều nhất ở Việt Nam với 4.935 chữ Hán khắc trên cả hai mặt bia, cũng là tấm bia có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng hoàng đế thời Nguyễn.
Hội đủ các đặc trưng của phong cách bia ký thời Nguyễn (bia hình chữ nhật, trán bia hình khánh, bốn góc có tai bia…), nhưng bia Khiêm Cung Ký là một tấm bia có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng hoàng đế thời Nguyễn. Đặt biệt, bia Khiêm Cung Ký được đặt trong một nhà bia khá cao, giới hạn xung quanh bởi 04 trụ biểu lớn, tạo sự tương xứng toàn diện trong tổng thể kỳ vĩ của Khiêm lăng.
Với 4.935 chữ Hán khắc trên hai mặt bia, bia Khiêm Cung Ký là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất. Đặc biệt bia Khiêm Cung Ký cũng là tấm bia duy nhât lưu giữ nét bút của chính tác giả văn bia - hoàng đế Tự Đức. Vì vậy, xét cả về nghệ thuật tạo hình, trang trí mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc, bia Khiêm Cung Ký có hình thức độc đáo nhất trong các bia lăng hoàng đế thời Nguyễn.
Nội dung văn bia không chỉ ghi lại tâm tư của một vị hoàng đế đang trong tình trạng “lực bất tòng tâm” trước nhiều thử thách và sự đổi thay của vận mệnh đất nước, mà còn cung cấp những thông tin cụ thể về hình thế cảnh quan phong thủy xung quanh khu vực lăng mộ của nhà vua: “Những núi đưa mạch đất từ xa đến gần, gọi là Dẫn Khiêm, Lao Khiêm, Đạo Khiêm, Long Khiêm, Cư Khiêm, Lý Khiêm…”. Theo đó, vị trí của lăng hoàng đế Tự Đức được lựa chọn trong mối quan hệ chặt chẽ với các di tích khác theo nguyện vọng của chủ nhân: “Lên cao mà nhìn bốn phía thì trước mặt là đàn Nam Giao, sau lưng là chùa Linh Mụ đã đủ rõ chí hướng bình sinh của ta rồi. Lúc sống chưa thể bày tỏ hết lòng thành thì khi chết lại được mãi mãi chầu hầu. Bên phải gần Xương Lăng, bên trái đối diện Văn Miếu đủ để an ủi niềm yêu mến ngưỡng mộ thành thực của ta, để ngày kia hồn phách ta có nơi nương tựa dài lâu thủy chung như nhất” (Khiêm Cung Ký).
Xét cả về nghệ thuật tạo hình, trang trí mỹ thuật và nội dung bi ký, bia Khiêm Cung Ký có hình thức và nội dung độc đáo nhất trong các bia đá cùng loại ở Việt Nam.
Năm 2015, Bia Khiêm Cung Ký được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam.